TP.HCM xây dựng “Thành phố sáng tạo”: Chọn lĩnh vực nào để phát huy lợi thế?

VHO- Việc khai thác các nguồn lực văn hóa của TP.HCM hướng đến gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là cơ hội để nâng cao vị thế của thành phố trên trường quốc tế, khẳng định bản sắc và thương hiệu của một thành phố hàng đầu cả nước.

TP.HCM xây dựng “Thành phố sáng tạo”: Chọn lĩnh vực nào để phát huy lợi thế? - Anh 1

 Lễ hội âm nhạc và Kết nối cộng đồng BridgeFest 2023 tại TP.HCM vào tháng 12.2023

Xung quanh định hướng này, nhiều chuyên gia nhận định TP.HCM có nhiều lợi thế, tuy nhiên cũng không ít thách thức…

Phát huy nguồn lực văn hóa

“Thành phố sáng tạo” được hiểu là nơi mà nguồn tài nguyên chính là tính sáng tạo của người dân, đó là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho thành phố và xã hội. Yêu cầu các thành phố trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO phải tiên phong trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận văn hóa và tăng cường sức mạnh sáng tạo của người dân trong phát triển đô thị bền vững. Đồng thời, “Thành phố sáng tạo” phải hợp tác với các thành viên khác của Mạng lưới để thúc đẩy các biện pháp đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu hóa như: Biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng, tốc độ đô thị hóa quá nhanh...

Theo giới chuyên gia, “Thành phố sáng tạo” là những thành phố có nội lực và sự vươn lên mạnh mẽ từ các ý tưởng và tri thức, với việc lấy “nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững” sẽ không thể tách rời các giá trị văn hóa cốt lõi của TP.HCM trong quá trình chuyển mình “đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Nghiên cứu của TS Huỳnh Văn Sinh, Học viện Cán bộ TP.HCM và cộng sự cho biết, để lộ trình trở thành thành viên Thành phố sáng tạo, TP.HCM cần xây dựng lộ trình của một đô thị văn minh đúng nghĩa, và việc này không phải thực hiện trong một hay hai năm; không phải việc có thể làm theo phong trào mà là cả một quá trình tích lũy, hình thành giá trị xãhội đô thị của thành phố với những chuẩn mực về lối sống, nếp sống quy củ, tạo nguồn lực văn hóa vừa là một nguồn tài nguyên, vừa tác nhân, bộ phận điều chỉnh đủ mạnh cho lộ trình chuyển hóa các yếu tố sáng tạo.

Chẳng hạn, phát huy các làng nghề thủ công mỹ nghệ gắn với hoạt động công nghiệp dịch vụ văn minh đô thị; nghệ thuật dân gian, truyền thống, ẩm thực, âm nhạc cần phối hợp giữ gìn các giá trị cốt lõi từ văn minh làng xãđược phổ biến rộng khắp với các yếu tố khác vốn có lợi thế công nghiệp văn hóa của thành phố: Thiết kế và điện ảnh lan tỏa các yếu tố sáng tạo vào công chúng, bạn bè du khách khi tới thành phố. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Tâm, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, văn hóa và thiết chế văn hóa của TP.HCM rất đa dạng, mang nhiều sắc thái phản ánh lịch sử từ truyền thống đến hiện đại. Chính vì vậy, văn hóa của TP.HCM vừa có những nét đặc trưng chung giống với các đô thị khác của Việt Nam, vừa có những đặc trưng văn hóa riêng biệt. Những đặc trưng văn hóa riêng biệt này giúp địa phương phát huy được những lợi thế trong xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho hay thành phố có truyền thống văn hóa lâu đời, là nền tảng cho sự hình thành tiểu vùng văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Thêm vào đó, TP.HCM là điểm giao thoa của nhiều vùng văn hóa trong nước, cùng với đó là sự hội nhập sâu rộng với văn hóa quốc tế đãtạo nên một hệ thống di sản văn hóa phong phú, độc đáo với những giá trị cốt lõi như lối sống cởi mở, tinh thần kinh doanh, sáng tạo. “Những giá trị văn hóa độc đáo ấy chính là nguồn lực nội sinh quan trọng của TP.HCM. Khai thác và phát huy những giá trị văn hóa này sẽ là chiến lược đúng đắn để thành phố phát triển bền vững, nâng tầm vị thế và khẳng định bản sắc riêng”, ông An nhấn mạnh.

TP.HCM xây dựng “Thành phố sáng tạo”: Chọn lĩnh vực nào để phát huy lợi thế? - Anh 2

 TP.HCM chọn điện ảnh là lĩnh vực để tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO

Đầu tư cho văn hóa còn yếu thế

Tại Việt Nam, năm 2019, UNESCO đã công nhận Hà Nội là Thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thiết kế” và mới đây, tháng 10.2023, UNESCO công nhận Hội An là Thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian”, Đà Lạt là Thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Âm nhạc”.

Ngày 16.4.2021, Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống Thành phố sáng tạo UNESCO. Theo kế hoạch này, TP.HCM cũng là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với TP Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu... có khả năng tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO. Ngày 25.10.2023, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. Hiện nay, TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch gia nhập Mạng lưới sáng tạo trên lĩnh vực điện ảnh. Thống kê cho thấy, doanh thu của điện ảnh hiện không thua kém gì các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, việc TP.HCM chọn điện ảnh là lĩnh vực để tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo sẽ khó thực hiện được theo kế hoạch của Bộ VHTTDL, vì điện ảnh cần sự đầu tư rất lớn, trong khi dù đứng đầu cả nước, nhưng điện ảnh TP.HCM vẫn chưa đi vào chiều sâu, chưa có bản sắc riêng và chưa đi vào cộng đồng. GS Nguyễn Xuân Tiên cho rằng, TP.HCM cần tìm lĩnh vực phù hợp hơn như nghệ thuật truyền thống vì nó có thể đi vào nhiều lĩnh vực nghệ thuật, mang tính cộng đồng cao để xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Nêu thách thức trong xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo, bà Trần Nữ Hồng Phương, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng: “Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, TP.HCM phải dồn rất nhiều nguồn lực phát triển kinh tế, nên đầu tư cho văn hóa còn bị yếu thế trong mối tương quan với kinh tế. Đầu tư cho lĩnh vực xãhội nói chung và văn hóa nghệ thuật nói riêng chưa tương xứng với yêu cầu mới. Mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế với văn hóa và chính trị chưa được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động đem lại các kết quả có thể đo lường được”. Về giải pháp, theo TS Nguyễn Thị Hương, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở khá quan trọng, bên cạnh đó cần đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực, đây là yếu tố quyết định, đảm bảo mọi nguồn sáng tạo.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, TP.HCM cần khai thác hiệu quả các thế mạnh của làn sóng công nghệ mới để mạnh mẽ giải phóng năng lực và tiềm năng sáng tạo của con người, phát huy cao độ tính sáng tạo của trí thức, văn nghệ sĩ; đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật; tạo cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, không gian phát triển cho thị trường văn hóa nghệ thuật… Theo nhà nghiên cứu Trần Nữ Hồng Phương, nhiều năm qua TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác đang thiếu nguồn lực đầu tư đúng tầm để có thể hình thành một môi trường chuyên nghiệp, hiện đại cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển theo quỹ đạo của công nghiệp sáng tạo. Đãđến lúc cần có sự đổi mới hơn nữa và quyết tâm đầu tư để xây dựng, hình thành, phát triển những tổ hợp sáng tạo, sản xuất, giao lưu, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm của các chủ thể sáng tạo trên nền văn hóa nghệ thuật bản địa một cách chuyên nghiệp, chất lượng.

Cạnh đó cần có chiến lược, kế hoạch từng bước trong tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, không chỉ là thương hiệu hay danh hiệu, điều quan trọng là một khi đãtham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo, TP.HCM đã đặt văn hóa và sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, tập trung quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững, giúp người dân hạnh phúc hơn. 

 Việc TP.HCM chọn điện ảnh là lĩnh vực để tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo sẽ khó thực hiện được theo kế hoạch của Bộ VHTTDL, vì điện ảnh cần sự đầu tư rất lớn, trong khi dù đứng đầu cả nước, nhưng điện ảnh TP.HCM vẫn chưa đi vào chiều sâu, chưa có bản sắc riêng và chưa đi vào cộng đồng.

TP.HCM cần tìm lĩnh vực phù hợp hơn như nghệ thuật truyền thống vì nó có thể đi vào nhiều lĩnh vực nghệ thuật, mang tính cộng đồng cao để xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo của UNESCO.

(GS.TS NGUYỄN XUÂN TIÊN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM)

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc